Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024

Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg yêu cầu sớm xây dựng phương án thi và xét tốt nghiệp THPT cho học sinh học Chương trình GDPT 2006 nhưng chưa tốt nghiệp năm 2024

Căn cứ Mục 2 Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những học sinh lớp 12 học Chương trình GDPT 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Điều này nhằm bảo đảm hiệu quả và tiết giảm ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non để đáp ứng các mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.

Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Minh Vân

Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Minh Vân

Xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi của địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực.

Xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi, nhất là các phương án ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tình huống bất thường.

Tổ chức tập huấn cho những người tham gia tổ chức Kỳ thi; thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo quy định; không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi.

Chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các Điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo.

Chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về Kỳ thi để phụ huynh, xã hội hiểu và đồng thuận trong các khâu tổ chức thực hiện.

Tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng người học

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học thực hiện kế hoạch tuyển sinh đại học, tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng người học vào giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi.

Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi có vấn đề về sức khỏe.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính phục vụ Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tích cực phối hợp, chủ động tham gia cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tham gia hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh và công tác bảo đảm trật tự, an toàn trong Kỳ thi.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Những mốc thời gian thi tốt nghiệp THPT 2024 quan trọng cho học sinh lớp 12

Căn cứ Công văn 1277/BGDĐT-QLCL năm 2024 về kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2024, học sinh lớp 12 cần lưu ý các mốc thời gian quan trọng sau:

24/4 - 28/4/2024: Đăng ký dự thi trực tuyến thử trên Hệ thống QLT.
02/5 - 10/5/2024 (17h): Đăng ký dự thi trực tuyến chính thức trên Hệ thống QLT.
Chậm nhất 20/5/2024: Ký xác nhận thông tin đăng ký dự thi trên Phiếu và danh sách dự thi.
Chậm nhất 07/6/2024: Thông báo công khai các trường hợp không đủ điều kiện dự thi.
Chậm nhất 18/6/2024: Nhận giấy báo dự thi.
26/6/2024: Làm thủ tục dự thi.
27/6 - 28/6/2024: Tham gia thi tốt nghiệp THPT.
8h ngày 17/7/2024: Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất 19/7/2024: Xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất 21/7/2024: Công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất 09/8/2024: Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Trách nhiệm của thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Căn cứ Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 có trách nhiệm tuân thủ các quy định chung sau:

Trình Thẻ dự thi cho cán bộ coi thi (CBCT); ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.
Được mang vào phòng thi các vật dụng như: Bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lí Việt Nam theo Chương trình GDPT 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm nội dung).
Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin để gian lận.
Ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), giấy nháp trước khi làm bài thi.
Kiểm tra kỹ số trang và chất lượng in của đề thi; báo cáo ngay cho CBCT nếu phát hiện đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ.
Giữ trật tự trong phòng thi; báo cáo ngay cho CBCT nếu có người khác chép bài hoặc can thiệp vào bài thi của mình.
Không trao đổi, bàn bạc, chép bài, cho người khác chép bài, sử dụng tài liệu trái quy định hoặc có hành động gian lận; phải xin phép CBCT nếu muốn trình bày ý kiến.
Không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không viết bằng bút chì (trừ tô các ô trên Phiếu TLTN), chỉ được viết bằng một màu mực (không dùng mực đỏ).
Không rời khỏi phòng thi cho đến khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Trong buổi thi môn tự luận, có thể rời khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.
Chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Trong trường hợp cần cấp cứu, phải có sự giám sát của công an cùng cán bộ giám sát cho tới khi hết giờ làm bài.
Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay, bảo quản nguyên vẹn bài thi.
Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi; thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), Phiếu TLTN (đối với bài thi trắc nghiệm).

Trần Phương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/thu-tuong-yeu-cau-tao-dieu-kien-tot-nhat-cho-hoc-sinh-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-nam-2024-d4545.html